THỦ TỤC THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT
Theo quy định, di sản thừa kế được chia theo di chúc hoặc theo pháp luật. Nếu trường hợp người chết không để lại di chúc để định đoạt di sản thì di sản thừa kế sẽ được tiến hành chia theo pháp luật. Vậy phân chia di sản thừa kế theo pháp luật là gì? Thủ tục thừa kế theo pháp luật như thế nào?
1. Khái niệm
Nếu phân chia di sản thừa kế theo di chúc là dựa trên ý chí định đoạt trước khi chết của người để lại di sản thì phân chia di sản theo pháp luật là trường hợp không có ý chí định đoạt trước của người để lại di sản.
Thừa kế theo pháp luật được hiểu là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định (Điều 649 BLDS 2015).
2. Những trường hợp phát sinh thừa kế theo pháp luật
Nguồn ảnh: Văn phòng Luật sư Lê Nguyên Giáp
Căn cứ quy định tại Điều 650 BLDS 2015, thừa kế theo pháp luật phát sinh trong những trường hợp sau đây:
- Người chết không để lại di chúc
- Người chết cóđể lại di chúc nhưng di chúc không hợp pháp;
- Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc.
- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản;
- Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
- Phần di sản có liên quan đến phần di chúc không có hiệu lực;
Nhìn chung, chỉ khi không đáp ứng điều kiện để phân chia di sản thừa kế theo di chúc, thì thừa kế theo pháp luật mới phát sinh.
3. Ai được hưởng thừa kế theo pháp luật?
Khác với thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật có sự giới hạn về người được hưởng di sản thừa kế. Pháp luật quy định, chỉ có những cá nhân có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng với người để lại di sản thì mới được hưởng thừa kế.
Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1 Điều 651 BLDS 2015 thứ tự hàng thừa kế theo pháp luật như sau:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
4. Thủ tục thừa kế theo pháp luật:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 611 BLDS 2015, thời điểm người để lại di sản chết là thời điểm mở thừa kế. Từ thời điểm này thừa kế theo pháp luật sẽ được áp dụng khi thuộc các trường hợp phát sinh thừa kế theo pháp luật.
Những người được hưởng thừa kế theo pháp luật cần tiến hành thủ tục mở thừa kế tại cơ quan có thẩm quyền.
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành thủ tục mở thừa kế: Văn phòng công chứng, Phòng công chứng, UBND xã.
Hồ sơ yêu cầu công chứng cần chuẩn bị gồm:
- Giấy tờ chứng minh mối quan hệ của người làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế với người đã chết: sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, giấy xác nhận nuôi con nuôi,…
- Giấy chứng tử;
- Giấy tờ chứng minh tài sản như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm, giấy tờ xe.
- Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế (nếu có)
Tùy từng trường hợp, người thừa kế theo pháp luật sẽ tiến hành thủ tục công chứng Văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc công chứng Văn bản khai nhận di sản. Thủ tục tiến hành công chứng văn bản mở thừa kế theo pháp luật được thực hiện theo quy định tại Điều 57, Điều 58 Luật Công chứng 2014.