KHÔNG CỨU GIÚP NGƯỜI ĐANG Ở TRONG TÌNH TRẠNG NGUY HIỂM ĐẾN TÍNH MẠNG CÓ PHẠM TỘI KHÔNG?

KHÔNG CỨU GIÚP
NGƯỜI ĐANG Ở TRONG TÌNH TRẠNG NGUY HIỂM ĐẾN TÍNH MẠNG
CÓ PHẠM TỘI KHÔNG?

Có phải chỉ cần không thực hiện hành vi gây thiệt hại cho người khác hoặc gây nguy hiểm cho xã hội thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự như nhiều người vẫn nghĩ không? Vẫn có trường hợp chủ thể không hành động nhưng phải chịu trách nhiệm hình sự, đó là trường hợp không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Vậy quy định của pháp luật hình sự như thế nào về vấn đề này? Bài viết dưới đây sẽ giúp mọi người nắm rõ vấn đề pháp lý về Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng quy định tại Điều 132 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 (sau đây gọi chung là BLHS).

Nguồn ảnh: Văn phòng Luật sư Lê Nguyên Giáp

1. Khái niệm:

Người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng được hiểu là người mà tính mạng của họ đang trực tiếp bị đe dọa, tình trạng hết sức khẩn cấp, bản thân họ không thể tự khắc phục được bắt buộc phải có sự giúp đỡ kịp thời của người khác. Nếu không có sự cứu giúp hoặc không cứu giúp kịp thời thì có thể dẫn đến sự nguy hại cho tính mạng.

Không cứu giúp người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng được hiểu là hành vi thấy người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, bản thân có điều kiện nhưng không hành động, tìm cách, tiến hành các biện pháp để cứu giúp người bị nạn, dẫn đến hậu quả làm cho người đó chết.

2. Cấu thành tội phạm của “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”

Khách thể:

  • Khách thể trực tiếp: Quyền được sống, tôn trọng và bảo vệ tính mạng của người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, cần cứu giúp.
  • Đối tượng tác động: tính mạng của người đang trong tình trạng nguy hiểm tính mạng, cần cứu giúp.

Mặt khách quan:

  • Hành vi: thấy người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có đủ điều kiện nhưng không cứu giúp. Hành vi khách quan của tội này là hành vi không hành động phạm tội
  • Hậu quả: người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng chết. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là tội có cấu thành tội phạm vật chất, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội này.
  • Mối quan hệ nhân quả: hành vi của người phạm tội là nguyên nhân dẫn tới cái chết của nạn nhân. Hành vi không hành động cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và hậu quả dẫn đến người đó chết có mối quan hệ nhân quả với nhau.

Mặt chủ quan:

       Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý gián tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả có thể xảy ra; mặc dù không mong muốn hậu quả xảy ra trên thực tế những có ý thức bỏ mặc hậu quả.

Chủ thể:

  • Chủ thể của tội phạm là chủ thể thường.
  • Người phạm tội đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

3. Trách nhiệm hình sự đối với “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”

Căn cứ theo quy định tại Điều 132 Bộ luật Hình Sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, người phạm tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng có thể chịu trách nhiệm hình sự với mức án như sau:

  • Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
  •  Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, trong các trường hợp sau đây:

           + Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

           + Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

  • Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm, trong trường hợp có hậu quả 02 người chết trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

0919877885
0919877885