THỜI HIỆU KHỞI KIỆN TRANH CHẤP
KINH DOANH THƯƠNG MẠI
Khi xảy ra các tranh chấp liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại, nếu không giải quyết được thông qua đàm phán, thương lượng, các bên tranh chấp thường sẽ khởi kiện vụ án ra Tòa án để được giải quyết. Tuy nhiên, khi khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại ra Tòa án, mọi người cần lưu ý về thời hiệu khởi kiện vụ án. Vậy quy định pháp luật như thế nào về thời hiệu khởi kiện tranh chấp kinh doanh thương mại?
Nguồn ảnh: Văn phòng Luật sư Lê Nguyên Giáp
1. Khái niệm
Căn cứ Khoản 1 Điều 149, Khoản 3 Điều 150 BLDS 2015, thời hiệu khởi kiện tranh chấp kinh doanh thương mại được hiểu là thời hạn do pháp luật quy định, mà trong thời hạn đó chủ thể được quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.
Nếu thời hạn đó kết thúc thì chủ thể không có quyền khởi kiện tranh chấp kinh doanh thương mại, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Thời hiệu khởi kiện
Đối với các tranh chấp kinh doanh thương mại mà văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thời hiệu khởi kiện thì áp dụng thời hiệu khởi kiện được xác định trong văn bản quy phạm pháp luật đó.
Tại điều 319 Luật Thương mại 2005 quy định về thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là 02 năm kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Trong thời hạn là 02 năm mà bên có quyền không thực hiện việc khởi kiện tranh chấp kinh doanh thương mại thì sau thời hiệu khởi kiện đó, các bên không được quyền khởi kiện vụ án.
Tuy nhiên, theo điểm e Khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015 thì khi hết thời hạn khởi kiện mà các bên thực hiện việc khởi kiện thì Tòa án sẽ giải quyết hoặc đình chỉ giải quyết vụ án phụ thuộc vào việc bên còn lại có yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án hay không.
3. Một số trường hợp áp dụng thời hiệu khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại cụ thể
a) Đối với tranh chấp về hợp đồng kinh doanh bảo hiểm thì thời hiệu khởi kiện thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, cụ thể thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là 03 năm, kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp;
b) Đối với tranh chấp về hư hỏng, mất mát hàng hóa thì thời hiệu khởi kiện căn cứ quy định tại Điều 169 Bộ Luật Hàng hải Việt Nam 2015, cụ thể thời hiệu khởi kiện là 01 năm, kể từ ngày trả hàng hoặc lẽ ra phải trả hàng cho người nhận hàng;
c) Đối với tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng vận chuyển theo chuyến thì thời hiệu khởi kiện căn cứ quy định tại Điều 195 Bộ Luật Hàng hải Việt Nam 2015, cụ thể thời hiệu khởi kiện là 02 năm kể từ ngày người khởi kiện biết hoặc phải biết quyền lợi của mình bị xâm phạm.
d) Đối với tranh chấp về hợp đồng thuê tàu thì thời hiệu khởi kiện căn cứ quy định tại Điều 219 Bộ Luật Hàng hải Việt Nam 2015, cụ thể thời hiệu khởi kiện là 02 năm, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng;
đ) Đối với tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng đại lý tàu biển căn cứ quy định tại Điều 241 Bộ Luật Hàng hải Việt Nam 2015, cụ thể thời hiệu khởi kiện là 02 năm, kể từ ngày phát sinh tranh chấp.
e) Đối với tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng cứu hộ hàng hải thì thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 274 Bộ Luật hàng hải Việt Nam 2015, cụ thể thời hiệu khởi kiện là 02 năm, kể từ ngày kết thúc hành động cứu hộ.